Qua thực tế kiểm tra, phát hiện sai phạm đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, Cục Hải quan TPHCM đã đưa ra nhiều lưu ý, cảnh báo cho doanh nghiệp (DN).
Tự ý bán nguyên liệu miễn thuế
Trong thời gian qua, cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều DN lợi dụng chính sách ưu đãi đối với loại hình gia công, sản xuất hàng xuất khẩu, có hành vi gian lận tiền thuế của Nhà nước. Theo bà Lê Thị Thùy Dung, Phó trưởng Phòng Giám sát quản lý về hải quan, Cục Hải quan TPHCM, qua kiểm tra cơ sở sản xuất của DN, cơ quan Hải quan phát hiện: một số DN thuê đất, lắp đặt nhà xưởng, máy móc, thiết bị sản xuất được cơ quan Hải quan kiểm tra, xác định đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở sản xuất để nhập khẩu nguyên liệu, vật tư được miễn thuế. Sau đó, DN nhập khẩu nguyên liệu, vật tư về, nhưng không sản xuất xuất khẩu theo quy định mà tự ý đưa vào tiêu thụ nội địa, trốn thuế và bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan cũng phát hiện có trường hợp DN cố tình cung cấp hồ sơ làm giả hợp đồng thuê nhà xưởng, cơ sở sản xuất; hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị của DN không phù hợp với ngành nghề sản xuất của DN; địa chỉ trên các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thông báo cơ sở sản xuất không có số nhà cụ thể, chỉ ghi chung chung là tổ, ấp thuộc địa giới hành chính của phường, xã thuộc huyện.
Bên cạnh đó, thực trạng xử lý phế liệu, phế phẩm của một số DN không đúng quy định. Có tình trạng DN lợi dụng việc tiêu hủy để tiêu thụ hàng hóa được miễn thuế; thường xuyên bán nguyên liệu, vật tư, linh kiện vào thị trường nội địa; báo cáo thực hiện tiêu huỷ nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm với số lượng nhiều hơn hoặc không có so với thực tế; bán phế phẩm nhưng thực chất là bán sản phẩm; xuất bán lượng phế liệu, phế phẩm vào nội địa cao hơn thực tế hoặc xuất khống các hoá đơn bán phế liệu, phế phẩm vào nội địa; thực hiện tiêu huỷ máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, trong đó các cấu phần có giá trị được tháo dỡ để bán; ký hợp đồng tiêu huỷ với DN không có giấy phép tiêu hủy theo quy định.
Những trường hợp phải kiểm tra
Theo Cục Hải quan TPHCM, trong quá trình làm thủ tục hải quan, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, cơ quan Hải quan sẽ thực hiện kiểm tra tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, tồn kho đối với các trường hợp gồm: có dấu hiệu rủi ro đã nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên liệu vật tư mà quá chu kỳ nhưng không xuất khẩu sản phẩm; khi có dấu hiệu nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên liệu vật tư hoặc xuất khẩu sản phẩm tăng, giảm bất thường so với năng lực sản xuất; khi có dấu hiệu bán máy móc thiết bị, nguyên liệu vật tư, sản phẩm vào nội địa nhưng không khai báo; hoặc phát hiện kê khai sản phẩm xuất khẩu không đúng quy định và không đúng thực tế; không giải trình các nội dung kiểm tra tại trụ sở hải quan; kiểm tra báo cáo quyết toán cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.
Nội dung kiểm tra nguyên liệu, vật tư tồn kho – kiểm tra báo cáo quyết toán, gồm: kiểm tra hồ sơ nhập khẩu, xuất khẩu; chứng từ kế toán, sổ kế toán; chứng từ theo dõi nguyên liệu, vật tư nhập kho, xuất kho; các chứng từ khác người khai hải quan phải lưu.
Qua kiểm tra thực tế, cơ quan Hải quan cho biết, đã phát hiện một số sai sót từ phía DN, như: một số trường hợp tờ khai đã hủy nhưng trên hệ thống của DN ở trạng thái chưa được hủy, khi tổng hợp bảng báo cáo chi tiết hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ không chính xác. Đơn vị tính không đồng nhất hoặc một mã nguyên phụ liệu có nhiều đơn vị tính; hàng hóa tái xuất trực tiếp không mở tờ khai hải quan (trường hợp này, thường xuyên xảy ra khi các DN mua hàng hóa từ nội địa) hoặc mượn nguyên vật liệu từ DN khác trong nội địa.
Đối với hàng không thanh toán, trong quá trình mua bán hàng hóa, có thể một số hàng hóa bị lỗi, hỏng được nhà cung cấp xuất bù bằng các hóa đơn không thanh toán hoặc một số nguyên vật liệu được nhà cung cấp cho, tặng. Căn cứ Điều 25 Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, kế toán không bắt buộc phải theo dõi trị giá đối với hàng hóa không thanh toán, hàng giữ hộ. Tuy nhiên, số lượng hàng hóa này vẫn đưa vào sản xuất ra sản phẩm và xuất khẩu. Trong quá trình làm việc, kế toán nhập kho thiếu một số tờ khai hải quan dẫn tới việc đối chiếu bị lệch số liệu.
Thực trạng kiểm tra nguyên liệu, vật tư, tồn kho – kiểm tra báo cáo quyết toán, cơ quan Hải quan còn phát hiện một số DN mở tờ khai sai loại hình. Cụ thể, một số nguyên vật liệu dùng cho sản xuất, tuy nhiên do cách hiểu chưa đúng của bộ phận xuất nhập khẩu dẫn tới việc mở tờ khai không đúng loại hình. Ví dụ, bao bì đóng gói là nguyên vật liệu gia công, sản xuất xuất khẩu nhưng bộ phận xuất nhập khẩu lại mở tờ khai theo loại hình: A12, E13 – nhập tiêu dùng.
Ngoài ra, DN thường mắc phải sai sót về hóa đơn mua bán giữa hai DN chế xuất không mở tờ khai hải quan. Trên thực tế, một số DN không thực hiện thủ tục hải quan cho những trường hợp này, vì vậy khi đối chiếu, lượng hóa đơn mua bán giữa hai DN chế xuất (hóa đơn bán hàng, không có thuế giá trị gia tăng) này cần được lập danh sách riêng để theo dõi. Hàng thực tế nhập kho khác với số lượng trên tờ khai hải quan: lượng hàng thực tế nhập kho thừa hoặc thiếu so với hồ sơ hải quan, khi căn cứ vào hóa đơn đối chiếu sẽ thấy lệch. Hoặc một mã kế toán nhiều mã hải quan hoặc khai báo dích dắc, chẳng hạn trường hợp một mã kế toán có nhiều mã hải quan, DN cần đối chiếu theo nhóm mã để xác định tính hợp lệ.
Theo Haiquanonline