Xung đột Biển Đỏ khiến một số hãng vận tải biển dừng vận chuyển hàng hóa; đổi lịch trình khiến cước vận tải biển gia tăng với nhiều khoản phụ phí phát sinh. Vì vậy, doanh nghiệp cần có giải pháp ứng phó kịp thời.
Gần đây, xung đột Biển Đỏ khiến một số hãng vận tải biển phải ra thông báo dừng vận chuyển hàng hóa, hoặc thay đổi lịch trình; kéo theo hệ luỵ là cước vận tải biển gia tăng với nhiều khoản phụ phí phát sinh. Điều này đang có những tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Trước sự việc này, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, căng thẳng tại Biển Đỏ có thể khiến 1 container đi qua khu vực châu Âu bị đội chi phí thêm từ 1.000 – 2.000 USD và những mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều gồm dệt may, da giày, đồ gỗ đến sản phẩm điện tử…. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu các tuyến dài cần có biện pháp ứng phó kịp thời để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra
Theo ông Trần Thanh Hải, nhằm bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã đề nghị hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh phát sinh ùn tắc và tác động bất lợi khác.
Cùng đó, Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng, đồng thời tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp; mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này. Mặt khác, doanh nghiệp xuất khẩu phải chủ động các phương án vận chuyển để không ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng.
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu, từ tháng 1/2024, một loạt hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và các nước. Nguyên nhân là do căng thẳng tại Biển Đỏ ảnh hưởng đến an toàn và đường vận tải của nhiều hãng tàu, nên họ buộc phải thay đổi hành trình, dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn, chi phí tăng lên.
Hàng loạt hãng vận tải lớn như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á – châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ. Bắt đầu từ tháng 1/2024, cước đi Mỹ/Canada và EU tăng rất nhiều so với tháng 12/2023. Bờ Tây (LA) tăng từ 800 – 1.250 USD, tùy theo tuyến. Cụ thể tháng 12/2023, giá cước ở mức 1.850 USD tăng lên 2.873 – 2.950 USD cho tháng 1/2024. Bờ Đông (NY) ghi nhận tăng nhiều hơn từ 1.400 – 1.750 USD tùy theo tuyến. Cụ thể tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD, tăng lên 4.100 – 4.500 USD cho tháng 1/2024. Riêng cước tàu sang EU ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12/2023. Cụ thể, cước đi Hamburg có giá từ 1.200 – 1.300 USD trong tháng 12, tăng lên 4.350 – 4.450 USD trong tháng 1/ 2024, tăng hơn gấp đôi.
Nguyên nhân được các doanh nghiệp cho là 80% lượng hàng hóa đi Bờ Đông nước Mỹ/Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Do căng thẳng Israel/Hamas, nhóm nổi loạn Houthi (Yemen) tấn công các tàu đi vào Biển Đỏ để qua kênh đào này. Tháng 12 vừa qua, các tàu của Maersk, MSC và CMA đều bị tấn công. Điều này buộc các line phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình mất thêm từ 7 – 10 ngày. Do đó, vòng quay của con tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn, vòng quay 1 con tàu mất khoảng 2 tuần. Một số tuyến vận tải phải cắt bỏ một số chuyến hàng hàng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.
Theo các hãng tin AFP (Pháp), AP (Mỹ), Reuters (Vương quốc Anh)…, hoạt động vận tải hàng hóa qua Biển Đỏ ước tính đã giảm 20% trong tháng 12/2023; trong đó, số liệu do công ty phân tích hoạt động hàng hải MarineTraffic (Hy Lạp) thu thập cho thấy lượng tàu chở container đã giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022; tàu chở ô tô, xe thiết bị… cũng giảm ở mức tương tự, trong khi tàu chở hàng khô và khí đốt hóa lỏng giảm không nhiều. Cùng với đó, lượng tàu biển đi qua mũi Hảo Vọng đã tăng 27% trong tuần cuối cùng của tháng 12/2023, so với tuần trước đó.
Sự gián đoạn và chuyển hướng của các hãng vận tải lớn trên thế giới tại Biển Đỏ có nguy cơ làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa và dấy lên lo ngại có thể gây ra một đợt lạm phát mới trên toàn cầu. Khoảng 1/3 lượng hàng hóa tàu container toàn cầu sử dụng kênh đào Suez. Việc chuyển hướng tàu quanh mũi Hảo Vọng dự kiến sẽ tiêu tốn thêm tới 1 triệu USD tiền nhiên liệu cho mỗi chuyến đi khứ hồi giữa châu Á và Bắc Âu.
Theo Freightos, công ty vận hành nền tảng đặt chỗ và thanh toán vận tải quốc tế của Israel, giá cước từ châu Á đến Bắc Âu đã tăng hơn gấp đôi, lên trên 4.000 USD cho mỗi container 40 foot trong tuần này, trong khi giá từ châu Á đến Địa Trung Hải tăng lên 5.175 USD.
Số liệu của Phòng Vận tải Quốc tế (ICS) cho thấy, với 12% thương mại hàng hóa của thế giới vận chuyển qua đây, Biển Đỏ có tuyến đường thủy quan trọng nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương, hay từ châu Âu đến châu Á. Khoảng 20.000 tàu đi qua kênh đào Suez mỗi năm và Biển Đỏ là cửa ngõ cho tàu bè ra vào khu vực này.
Biển Đỏ và Kênh đào Suez là những mắt xích quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dầu, khí đốt tự nhiên, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp và hơn thế nữa. Khoảng 40% thương mại Á-Âu đi qua Kênh đào Suez, bao gồm cả nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng quan trọng.
Ông Judah Levine, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Freightos cho biết, năng lực vận chuyển đang dư thừa ở mức kỷ lục. Vì thế, dù các tuyến đường dài hơn có thể sẽ đẩy cước phí vận tải lên cao hơn, nhưng vì các hãng tàu phải tìm cách tận dụng năng lực dư thừa này, nên cước phí sẽ không thể tăng như những mức đã từng ghi nhận trong thời kỳ đại dịch.
Tuy nhiên, ông Rico Luman, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng ING cho rằng thời gian vận chuyển lâu hơn có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền. Ông khẳng định: “Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc tình hình này sẽ kéo dài trong bao lâu”.
Theo ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco), công ty có một số đơn hàng phải vận chuyển qua khu vực Biển Đỏ nên gần đây đã nhận được thông báo tăng giá cước từ một số hãng tàu biển. Mức tăng từ 200 – 500 USD/container 40 feet với thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024. Ngoài ra, điều khiến doanh nghiệp lo lắng không phải là giá cước tàu biển qua tuyến này mà có thể các tuyến khác cũng sẽ tăng giá theo do tình trạng ách tắc kéo dài. Đáng lưu ý, cước tàu biển tăng giá trong giai đoạn này sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn bởi đơn hàng ngành gỗ mới phục hồi khiến khó lại chồng thêm khó.
Tương tự, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho hay, tình hình Biển Đỏ những ngày gần đây lắng dịu nhưng cước tàu biển vẫn lên. Hãng tàu bào chữa do “độ trễ” nên dù rủi ro đi qua chắc cả tháng sau cước mới ổn trở lại. Thế nhưng, rất may mắn thời điểm này doanh nghiệp ít lô hàng xuất khẩu tới thị trường EU, Mỹ…. Doanh nghiệp chỉ tập trung ở thị trường Nhật Bản nên tạm thời những khó khăn trên chưa ảnh hưởng nhiều.
Trước thực trạng này, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cần đa dạng phương thức vận chuyển trong ngắn hạn. Hiệp hội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin và phối hợp làm việc trong chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý khi ký kết, đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên bổ sung điều khoản về bồi thường… trong những tình huống khẩn cấp cũng như mua bảo hiểm đầy đủ. Ngoài việc đa dạng phương thức vận chuyển, doanh nghiệp xuất khẩu nên đa dạng nhà cung cấp nguyên, phụ liệu để tránh bị gián đoạn quá trình sản xuất, ảnh hưởng tiến độ giao hàng.
Nguồn: Bnews/TTXVN